Theo NextShark, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances. Các nhà nghiên cứu từ Trường Y Feinberg của Đại học Northwestern ở Chicago (Mỹ) đã xem xét dữ liệu thu thập được từ năm 1986 đến năm 2006 của 924 người sống ở Birmingham, Alabama; Oakland, California; Chicago và Minneapolis.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia trong hơn hai thập kỷ và ghi nhận sự hiện diện của các công viên và thảm thực vật lớn gần nơi ở của họ bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh. Ngoài ra, họ cũng phân tích mẫu máu của những người tham gia trong năm thứ 15 và 20 của nghiên cứu để tìm ra tuổi sinh học của họ.From: web game casino
Dựa vào phân tích ADN từ mẫu máu, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tuổi sinh học trên cấp độ phân tử, nghiên cứu các biến đổi nhỏ trong hoạt động của gen liên quan đến lão hóa.
Kết quả, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người sống trong môi trường được bao quanh bởi 30% cây xanh trong bán kính 5km trung bình sẽ có tuổi sinh học trẻ hơn 2,5 tuổi so với những người chỉ được bao quanh bởi 20% cây xanh hoặc ít hơn.
Tác giả chính của nghiên cứu, Kyeezu Kim, nói với AFP: “Sống gần nhiều cây xanh hơn có thể giúp bạn trẻ hơn so với tuổi thật. Chúng tôi tin rằng những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với quy hoạch đô thị về việc mở rộng cơ sở hạ tầng xanh nhằm tăng cường cộng đồng và giảm bớt sự chênh lệch về sức khỏe”.
Thiên nhiên ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người như thế nào?
Theo The Washington Post, tuổi sinh học là tốc độ già đi về mặt thể chất của bạn, trong khi tuổi thông thường là số năm bạn sống. Tuổi thật luôn tăng thêm, song tuổi sinh học có thể giảm xuống nhờ một số biện pháp y tế hoặc thói quen lành mạnh. Ví dụ, một số người có tuổi thông thường là 50, song về mặt sinh học là 45.
Nếu tuổi sinh học cao hơn tuổi thực, rủi ro mắc bệnh liên quan đến tuổi già như ung thư, bệnh tim hay Alzheimer sẽ tăng lên. Điều này không chỉ do chế độ ăn uống hay hoạt động thể chất hàng ngày, mà còn do môi trường sống xung quanh và cộng đồng.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra rằng môi trường sống gần các khu vực xanh có thể gây ra những biến đổi sinh học hoặc phân tử và những biến đổi này có thể được theo dõi thông qua máu”, Giáo sư Lifang Hou, chuyên gia về y học phòng ngừa, Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, người đứng đầu nghiên cứu nói.
Giáo sư David Rojas-Rueda, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học bang Colorado (Mỹ), cho biết: “Chúng tôi biết lợi ích của không gian xanh trong việc giảm tỷ lệ tử vong sớm. Và nghiên cứu này giải thích mối liên quan này bằng cách mô tả cách không gian xanh có thể thay đổi biểu hiện gen”.
Peter James, một nhà dịch tễ học môi trường tại Trường y tế công Harvard T.H. Chan, cũng cho biết thêm: “Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên thực sự chứng minh việc sống gần với thiên nhiên, sống ở những khu vực xanh hơn, có thể gây ra những biến đổi quan trọng trong các chỉ số sinh học liên quan đến lão hóa”.
Theo các chuyên gia, việc thường xuyên tiếp xúc với không gian xanh cũng giúp sức khỏe tim mạch tốt hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn. Sống gần các công viên sẽ tạo ra nhiều hoạt động thể chất và tương tác xã hội hơn.
GS Hou nhấn mạnh rằng nghiên cứu này khuyến khích con người nên quan tâm đến môi trường sống như một yếu tố quan trọng trong việc duy trì lối sống khỏe mạnh, cùng với việc ăn uống cân đối, ngủ đủ giấc và duy trì vận động thể chất.
Nghiên cứu cho thấy môi trường chúng ta đang sống, đặc biệt là khả năng tiếp cận không gian xanh, cũng rất quan trọng để giữ sức khỏe.